Vòng đời của bọ rùa phát triển qua từng giai đoạn
Kích thước chữ
Vòng đời của bọ rùa có khoảng 4 giai đoạn và tùy thuộc vào giống, bọ rùa cái có thể đẻ tới 1000 trứng trong vài tháng. Do đó, bọ rùa có số lượng khá đông và phát triển mạnh.
Tuy nhiên, hiện tại có hai loại bọ rùa, là bọ rùa có hại và bọ rùa có lợi. Hãy cùng tìm hiểu về loài bọ rùa và vòng đời bọ rùa thông qua bài viết dưới đây.
Đặc điểm tập tính của loài bọ rùa có hại và có lợi
Vòng đời của bọ rùa trải qua quá trình tiến hóa hoàn toàn thông qua 4 giai đoạn. Bọ rùa là một loài côn trùng nổi tiếng thuộc họ Coccinellidae. Bọ rùa nhìn chung có hình dạng tròn và kích thước khá nhỏ, lưng có hình vòm và có đốm đen ở trên lưng.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 5000 loại bọ rùa. Hiện nay, dựa vào đặc điểm và màu sắc ở trên thân bọ rùa, có thể phân bọ rùa ra làm hai loại: bọ rùa có hại và bọ rùa có lợi.
Bọ rùa có hại ăn lá và phá hoại cây trồng
Bọ rùa có hại thường có màu cam, vàng… khá nhạt. Cánh của bọ rùa có hại giáp hơn loài bọ rùa có lợi. Ngoài ra, trên thân chúng có khá nhiều chấm đen, khoảng 28 chấm đen. ấu trùng của loài bọ rùa có hại này có hình tròn, kích thước khá lớn.
Bọ rùa có hại thường ăn các lá của cây trồng và chỉ chừa lại phần gân lá. Chúng tập trung chủ yếu gây hại trên các cây như bầu, bí, ngô, lúa, khoai… Chúng ăn cả phần ngọn và hoa của cây, khiến cây sinh trưởng và phát triển kém.
Bọ rùa có lợi – thiên địch của nhà nông
Bọ rùa có lợi thì mang màu sắc tươi hơn bọ rùa có hại vì thức ăn chủ yếu của chúng là các con rệp, nhện đỏ… sống ở trên cây. Trên thân cũng có ít chấm đen hơn. Chúng thường bám trên mặt sau của lá và ăn các loài rầy, ấu trùng của sâu non.
Do đó, chúng được xem là thiên địch của nhà nông. Nhiều nhà nông tìm cách thu hút chúng tới để giúp xử lý các loài côn trùng gây hại cho cây trồng mà không phải lạm dụng vào thuốc hóa học.
Hiện nay có hai loài bọ rùa có lợi cho cây trồng gồm:
Bọ rùa vàng: Có tên tiếng anh là Charidotella sexpunctata, thường sống tập trung ở Bắc Mỹ và có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ khoảng 0.5cm. Chúng có thể thay đổi màu sắc dễ dàng, từ vàng sang đỏ có chấm đen.
Bọ rùa đỏ: Là một loài bọ rùa phổ biến nhất hiện nay. Chúng có màu đỏ pha cam và trộn lẫn cùng các chấm đen, cánh của chúng khá bóng.
Tập quán sinh sống và thời điểm sinh sản của bọ rùa
Bọ rùa thường trú ẩn vào các khu vực kín đáo, khuất gió và tiến hành ngủ đông trong suốt mùa đông. Vào mùa xuân, khi thời tiết ấm áp, chúng sẽ thức dậy và bắt đầu tiêu diệt các loài rệp vì đây cũng là thời điểm rệp phá hoại cây trồng cao nhất.
Thức ăn chủ yếu của bọ rùa là các con rệp, côn trùng cắn phá cây trồng. Một con bọ rùa trưởng thành có thể tiêu diệt được khoảng 50 con rệp mỗi ngày.
Con bọ rùa cái thường đẻ khoảng 15 trứng ở mặt sau của lá cây. Đầu mùa xuân cũng là thời điểm bọ rùa giao phối. Sau đó, trứng sẽ nở vào giữa mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Trung bình, một con bọ rùa cái có thể đẻ được 1000 trứng.
Vòng đời của bọ rùa phát triển qua từng giai đoạn
Bọ rùa phát triển và sinh trưởng thông qua 4 giai đoạn gồm trứng, ấu trùng, nhộng và con trưởng thành. Mỗi giai đoạn khác nhau thì bọ rùa sẽ có một đặc điểm riêng.
Giai đoạn phôi thai (trứng) của bọ rùa
Giai đoạn phát triển đầu tiên trong vòng đời phát triển của bọ rùa là bắt đầu từ những quả trứng, nên được gọi là giai đoạn phôi thai. Sau khi giao phối, bọ rùa cái bắt đầu đẻ từ 10 đến 30 trứng thành một cụm ở mặt dưới của lá cây.
Trứng của bọ rùa có hình thoi, màu vàng nhạt và có chiều dài khoảng 0.1cm, đồng thời, chúng có một lớp chất kết dính để trứng không bị rơi ra khỏi lá cây.
Giai đoạn phát triển thành ấu trùng bọ rùa
Sau khoảng từ 8-15 ngày, trứng của bọ rùa sẽ bắt đầu nở thành ấu trùng. Ấu trùng của bọ rùa có thân hình khá dài, dẹt và có nhiều lông. Chúng có màu đen cùng nhiều đốm hoặc dải màu khá sáng.
Ấu trùng của bọ rùa có khả năng ăn rất lớn, chúng có thể tiêu thụ từ 350 đến 400 con rệp trong khoảng thời gian phát triển. Ngoài ra, chúng còn có thể ăn các loài côn trùng có thân mềm khác và cũng có thể ăn trứng của đồng loại.
Ấu trùng sẽ lột xác khoảng từ 3-4 lần trước khi chúng hóa nhộng. Khi ấu trùng mới nở, chúng sẽ ăn cho đến khi lớp biểu bì ở bên ngoài phát triển rắn chắc và tiến hành lột da. Khi ấu trùng sẵn sàng bước vào giai đoạn nhộng, chúng sẽ tự dính vào lá hoặc bề mặt khác.
Bọ rùa hóa nhộng
Trong giai đoạn nhộng, bọ rùa có màu vàng, cam cùng nhiều chấm đen trên cơ thể của chúng. Chúng sẽ gắn liền với lá trong suốt khoảng thời gian này. Tùy vào giống cũng như điều kiện môi trường tác động vào, giai đoạn nhộng của chúng có thể kéo dài khoảng từ 3 đến 12 ngày.
Giai đoạn trưởng thành của bọ rùa
Những con bọ rùa mới xuất hiện thường có lớp vỏ khá mềm, dễ bị tổn thương bởi các tác động xung quanh môi trường sống hoặc những loài khác. Sau một khoảng thời gian, lớp vỏ của chúng mới cứng lại.
Khi bắt đầu chuyển sang giai đoạn trưởng thành, bọ rùa có màu vàng nhạt nhưng sau dần đậm và rực rỡ hơn.
Bọ rùa có lợi mang lại lợi ích gì cho nhà nông
Bọ rùa có lợi thường giúp nhà nông tiêu diệt các loài côn trùng cắn phá cây trồng, giúp bảo vệ cây mà không phải tốn quá nhiều công sức, thời gian và chi phí.
Việc sử dụng các loài bọ rùa có lợi cho cây trồng giúp bà con không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Những loại thuốc bảo vệ thực vật này có thể khiến cho môi trường bị ô nhiễm, gây độc hại cho con người và động vật. Nếu sử dụng trong thời gian dài, những loài côn trùng gây hại có thể kháng lại thuốc.
Giúp môi trường thêm xanh và phong phú các loài động vật khi bà con phát triển mạnh việc sử dụng loài bọ rùa có lợi này. Chỉ cần một số phương pháp để thu hút bọ rùa có lợi, tạo môi trường sống cho chúng phát triển và sinh sản là bà con đã tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Cách thu hút bọ rùa có lợi đến vườn tiêu diệt côn trùng gây hại
Thức ăn là điều quan trọng nhất để dẫn dụ và thu hút bọ rùa đến khu vườn. Ngoài các loài côn trùng như rệp, nhện đỏ… bọ rùa còn ăn cả phấn hoa. Do đó, chỉ cần có hai yếu tố này thì bọ rùa có lợi sẽ di chuyển đến khu vườn.
Bà con nên trồng các cây có mùi hương như hoa tỏi, chi mỏ hạt, thanh cúc, bồ công anh, dương kỳ thảo, hoa nhái, bạc hà… và đặc biệt là cúc vạn thọ. Loài bọ rùa này rất thích cúc vạn thọ, do đó, muốn dẫn dụ chúng tới, bà con chỉ cần trồng cúc vạn thọ là được.
Khi trồng các cây thu hút bọ rùa, bà con có thể trồng theo từng cụm để tạo các bóng râm cho bọ rùa ẩn nấp. Khi ăn uống no nên, bọ rùa sẽ bay về tổ để ngủ và đẻ trứng ở đó.
Tuy nhiên, ngoài ra thức ăn này, bà con cần phải chuẩn bị cho bọ rùa khu vực sống và sinh trưởng tốt thì chúng mới ở lại khu vườn trong một khoảng thời gian dài. Chuẩn bị các đĩa sâu và đổ nước vào đó để cung cấp thêm nước cho bọ rùa.
Vòng đời của bọ rùa gồm có 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và con trưởng thành. Bọ rùa có thể gây hại nhưng cũng có loại bọ rùa có lợi cho nhà nông, được xem là thiên địch của nhiều vườn rau màu. Do đó, bà con cần phân biệt được đặc điểm của hai loại bọ rùa này, xử lý các bọ rùa có hại và thu hút thêm các bọ rùa có lợi. Chúc bà con có được thật nhiều vụ mùa bội thu và đạt năng suất cây trồng!