Cách ươm hạt ớt chuông tại nhà đúng kỹ thuật, nảy mầm 100%
Kích thước chữ
Cách ươm hạt ớt chuông liệu có đơn giản không và tỉ lệ nảy mầm có cao không? Ớt chuông hiện tại được rất nhiều người yêu thích vì dễ chế biến cũng như rất dễ ăn. Có được một cây ớt chuông ở nhà cũng thật thú vị. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để trồng cây ớt chuông dễ dàng và tỷ lệ thành công cao nhất nhé!
Tổng quan về cách ươm hạt ớt chuông
Ớt chuông là một loại cây có nguồn gốc từ Mexico, Trung Mỹ và phía Bắc Nam Mỹ. Sau đó, ớt chuông đã dần lan rộng và được sử dụng phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Đặc điểm của cây ớt chuông
Cây ớt chuông là một loại cây mọc thành bụi và có thể sinh trưởng quanh năm. Cây được trồng chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, ôn đới lạnh, nơi có nhiệt độ khoảng 20-30 độ C. Do đó, cây được trồng rất nhiều ở Việt Nam, đặc biệt là ở Đà Lạt.
Cây ớt chuông không cay như những giống ớt khác, chúng có vị ngọt thơm nên rất được ưa chuộng. Ớt chuông có rất nhiều màu như xanh, đỏ, vàng, cam cùng một số màu ớt hiếm gặp khác như tím, nâu, trắng… Mỗi trái ớt có màu sắc khác nhau sẽ mang lại một vị khác nhau và ớt chuông màu đỏ được đánh giá là loại ngon nhất, được nhiều người yêu thích vì khá ngọt.
Ớt chuông đem lại rất nhiều công dụng cho cơ thể người vì trong ớt chuông chứa nhiều vitamin A, C, E, B6 cùng các dưỡng chất thiết yếu khác.
Thời vụ nên trồng ớt chuông từ hạt
Ở Việt Nam, thời vụ trồng ớt chuông thường được chia làm hai vụ trong năm, đó là vụ đông xuân và vụ xuân hè. Vì đây là hai thời điểm có khí hậu phù hợp nhất đối với việc trồng cây ớt chuông. Bà con nên canh khoảng thời gian này để trồng cây ớt chuông, cây sẽ sống và cho ra năng suất cao nhất.
Liệu phần hạt ớt chuông có nảy mầm không?
Nhiều người sẽ nghĩ hạt ớt rất bé nên chắc sẽ không thể nảy mầm và phát triển thành cây ớt được. Đồng thời, việc thu hoạch hạt ớt chuông từ trái sẽ tăng khả năng nảy mầm hơn so với hạt giống đóng gói bán sẵn. Vì vậy, nếu bà con mong muốn có một vài cây ớt chuông tại nhà, hãy để lại những hạt ớt trong quả ớt chuông và tiến hành gieo trồng theo bài viết này nhé!
Cách ươm hạt ớt chuông tăng tỷ lệ nảy mầm
Hạt ớt chuông rất dễ nảy mầm nhưng bà con vẫn nên chuẩn bị nhiều hạt để tăng khả năng phát triển thành cây ớt hơn.
Ngâm hạt ớt chuông
Để hạt ớt dễ dàng phát triển thành cây hơn, tức là dễ tăng tỷ lệ nảy mầm hơn thì bà con cần thực hiện bước ngâm hạt ớt chuông trước.
Sau khi đã chuẩn bị đủ một lượng hạt giống ớt chuông, bà con tiến hành ngâm hạt ớt chuông vào trong một tô nước ấm khoảng 50 độ C (2 phần nước sôi trộn cùng 2 phần nước lạnh). Ngâm hạt trong vòng 12 tiếng và tiến hành vớt hạt ra. Đối với một số hạt ớt chuông dày, bà con nên ngâm hạt lâu hơn một xíu để tăng khả năng nảy mầm của hạt hơn.
Ươm hạt ớt chuông như thế nào?
Trước khi tiến hành ươm hạt ớt chuông, bà con chuẩn bị bầu ươm hoặc khay ươm để ươm hạt giống. Khay ươm sẽ có các ô nhỏ giúp thoát nước, sẽ giúp hạt giống nhanh nảy mầm hơn. Giá thể để ươm hạt ớt chuông là trấu, xơ dừa trộn với nhau.
Bà con tiến hành gieo các hạt ớt vào bầu ươm hoặc khay ươm, không nén chặt đất trồng. Sau đó, phun nước cho ẩm đất ươm hạt giống. Đặt bầu ươm hoặc khay ươm ở nơi thoáng mát, hơi ấm, tránh ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu thẳng trực tiếp, làm hạt giống bị khô và hỏng.
Mỗi ngày đều cần phải phun ẩm bầu ươm hoặc khay ươm hai lần vào sáng và chiều mát. Việc tăng độ ẩm này giúp hạt nhanh nảy mầm hơn, sau khoảng 1-3 tuần sẽ nảy mầm.
Trồng cây sau khi thực hiện cách ươm hạt ớt chuông
Sau khi hạt nảy mầm và phát triển thành cây con cao khoảng 15cm, bà con tiến hành bứng từng cây con ra các chậu đất để cây có không gian phát triển tốt hơn.
Chuẩn bị đất trồng cây ớt chuông
Đất trong chậu trồng cây ớt nên là đất xốp, thoáng, giàu chất dinh dưỡng. Đất sau khi lựa chọn có thể bón lót thêm vôi, một lượng vừa phải phân NPK để giúp đất có nhiều chất dinh dưỡng hơn, dưỡng cho cây tốt hơn.
Cách trồng cây con vào chậu khi hạt nảy mầm
Sau khi cây nảy mầm được 1 tháng, cây con đã mọc nhiều lá hơn, bà con đem chúng trồng vào các chậu đất nhỏ. Lựa chọn những cây con mạnh khỏe để tăng tỷ lệ phát triển thành cây hơn, có thể trồng hai cây vào một chậu, tuy nhiên, không để các cây quá sát nhau, làm cho nấm bệnh dễ dàng phát triển. Khi chậu được lấp đầy rễ thì cần phải chuyển cây sang một chậu lớn hơn, để rễ cây có không gian phát triển hơn.
Đặt các chậu cây ở nơi có ánh sáng nhưng không bị chiếu trực tiếp vào gây hỏng cây. Khi cây cao tầm 20cm, tiến hành tỉa nhánh cho cây, giúp cây phân tán rộng hơn, gốc cây thêm thông thoáng.
Chăm sóc sau khi trồng cây ớt chuông
Sau khi tách cây con ra trồng riêng, bà con cần tập trung chăm sóc cho cây, để cây phát triển nhanh và sớm ra trái.
Tưới nước cho cây ớt chuông
Phải tưới nước cho cây mỗi ngày hai lần vào sáng và chiều mát cũng như kiểm tra độ ẩm đất cho cây. Nếu thấy đất quá ẩm, cần giảm lượng nước tưới cũng như số lần tưới để cây không bị ngập úng. Tuy nhiên, khi tưới cần tránh làm ướt lá, vì dễ tạo ra môi trường làm cây bị nhiễm nấm.
Khi nào nên bón phân cho cây ớt chuông?
Vì cây ớt chuông ra khá nhiều trái, nên cây rất cần dinh dưỡng để trái. Bà con có thể bón phân theo hướng dẫn sau:
🔷 Sau khi hạt nảy mầm thành cây con được hai tuần, nên bón lót phân trùn quế, phân NPK… cho cây.
🔷 Sau 15 ngày, bón tiếp lần hai cho cây.
🔷 Sau 1 tháng, bón cho cây thêm một lần nữa, đây là giai đoạn cây vào thời điểm thu hoạch.
Sau khoảng 2 tháng sau khi trồng, cây sẽ ra hoa và đậu trái. Được 3 tháng thì bà con có thể hái những trái ớt đầu tiên từ cây ớt mình trồng.
Cách ươm hạt ớt chuông thật là dễ dàng đúng không bà con? Chỉ cần thực hiện đúng những bước trên, bà con sẽ có được những trái ớt ngon ngay tại nhà. Chúc bà con thành công!