Hướng dẫn chiết cành vú sữa nhân giống cây, tăng năng suất
Kích thước chữ
Chiết cành vú sữa như thế nào để vừa đơn giản mà còn lại đạt chất lượng, giúp cây phát triển nhanh? Vú sữa là một loại cây dễ trồng, phát triển tốt mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, do đó, nhiều người đã và đang tìm hiểu nhiều cách nhân giống cây vú sữa khác nhau. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật chiết cành vú sữa nhanh chóng và tỷ lệ sống của cây cao.
Tìm hiểu về cách chiết cành vú sữa
Cây vú sữa cho ra quả và phát triển tối đa kích thước của quả là khoảng 200 ngày. Thời gian thu hoạch của cây là vào khoảng đầu mùa xuân, từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch. Do đó, cây vú sữa nên được nhân giống vào mùa xuân, sau khi kết thúc mùa quả để cây phát triển tốt nhất.
Khi nhân giống vào sau mùa vụ sẽ giúp cây tập trung phát triển và sinh trưởng. Không nên nhân giống cây vào mùa đông vì thời tiết khắc nghiệt sẽ khiến cây không phát triển tốt, cành và mầm không phát triển, ảnh hưởng tới năng suất ra hoa và kết quả sau này.
Đặc điểm hình dáng của cây vú sữa
Cây vú sữa có tên khoa học là Chrysophyllum Cainito. Giống cây vú sữa hiện nay được phân bố ở trên khắp thế giới.
Cây vú sữa là một giống cây gỗ thường xanh và có chiều cao trung bình từ 4-10m. Lá của cây có hình bầu dục, dài khoảng 5-10cm, mặt dưới của lá ánh lên màu óng khi nhìn xa.
Vú sữa có hoa nhỏ màu trắng, có mùi thơm nhẹ dịu. Quả có hình cầu, đường kính trái khoảng 5-8cm, tầm cỡ chén ăn cơm. Quả có màu xanh, khi chín thì dần chuyển sang màu tím. Hạt của trái vú sữa có màu nâu nhạt như của quả hồng xiêm.
Ưu nhược điểm của phương pháp chiết cành cây vú sữa
Chiết cành là một phương pháp nhân giống vô tính, giúp cây con giữ nguyên đặc tính di truyền từ cây mẹ.
🔷 Ưu điểm: Dễ thực hiện, tỷ lệ sống cao, khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh khỏe.
🔷 Nhược điểm: Cây chiết sẽ nhanh chóng bị già, không chắc chắn, không nhân giống được số lượng lớn và cây mẹ dễ bị tổn thương nếu vết cắt không chính xác hay không được chăm sóc kỹ.
Chuẩn bị gì trước khi thực hiện kỹ thuật chiết cành vú sữa?
Có nhiều cách nhân giống cây vú sữa như ghép, chiết, gieo hạt… Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con cách nhân giống vú sữa bằng phương pháp chiết cành.
Lựa chọn cành vú sữa không sâu bệnh để chiết
Để việc chiết cành diễn ra nhanh chóng, đạt chuẩn, bà con cần phải cẩn thận trong việc chuẩn bị cành chiết. Phải lựa chọn cành chiết khỏe mạnh, các cành bánh tẻ không quá non cũng không quá già.
Nên lựa cành chiết có đường kính khoảng 2cm và có vài cành con. Độ dài cành chiết tốt nhất là khoảng 50-60cm nhằm đảm bảo cho cây con phát triển, vừa không ảnh hưởng nhiều đến cây mẹ.
Chuẩn bị giá thể dùng để chiết cành vú sữa
Giá thể để chiết cành bao gồm đất phù sa nhẹ hay đất bùn phơi khô, được nghiền nhỏ và trộn với rơm, rễ bèo… theo tỷ lệ 2:1.
Hỗn hợp này được trộn lại với một ít chất kích thích ra rễ nhằm hỗ trợ quá trình ra rễ cho cành chiết. Trộn hỗn hợp cùng một ít nước để tạo độ ẩm cho giá thể chiết.
Dụng cụ hỗ trợ chiết cành cây vú sữa
Một số vật dụng cần thiết khi chiết cành gồm:
🔷 Dao, kéo.
🔷 Bì nilon và dây cột.
Hướng dẫn cách chiết cành vú sữa đơn giãn qua từng bước
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, bà con tiến hành chiết cành vú sữa theo hướng dẫn sau:
Bước 1. Sau khi chọn được cành chiết, tiến hành lột bỏ bớt cành già, bị sâu bệnh và lá già quanh muốn chiết.
Bước 2. Dùng dao khoanh nhẹ hai đường tròn quanh cành chiết. Hai đường này nên cách nhau khoảng từ 2-3cm. Nên sử dụng dao sạch để không lây nhiễm bệnh cho cây.
Bước 3. Cắt một đường giữa hai vết cắt và loại bỏ vỏ cây ở giữa. Sau đó, cạo nhẹ xung quanh lớp vỏ bằng dao.
Lưu ý: Không cào mạnh và sâu, mà chỉ cào nhẹ, hết xung quanh chỗ vừa bóc vỏ.
Bước 4. Sử dụng giá thể đặt vào chỗ cành vừa cắt bỏ, bọc lại và nén chặt giá thể vào chỗ cắt.
Bước 5. Sử dụng bì nilon bọc xung quanh bầu đất và dùng dây cố định lại. Có thể thêm một dây buộc ở giữa để bầu đất chắc chắn hơn.
Quy trình trồng cây vú sữa sau khi chiết vào đất
Sau khi chiết được 45-60 ngày, rễ sẽ mọc ra ở đoạn chiết đó. Rễ từ cây màu trắng nõn chuyển màu xanh hoặc vàng thì bà con tiến hành cưa cành chiết và giâm vào vườn ươm để chăm sóc.
Xé bỏ lớp nilon bên ngoài, cắt bỏ các lá già, sâu bệnh nếu có, đào một hố rồi đặt bầu cây xuống, lấp đất cách cổ bầu 3-5cm rồi tưới nước đẫm luống.
Lưu ý: Che chắn ánh sáng tự nhiên cho cây, mỗi ngày tưới nước 2 lần cho cây, vào mỗi sáng và chiều mát.
Sau 10-15 ngày hạ bầu, bà con bỏ bớt đồ che chắn để cây quen với anh sáng tự nhiên.
Chăm sóc cây vú sữa từ cành chiết lớn nhanh, xanh lá, đứng cây
Cây vú sữa rất cần được tưới nước thường xuyên để có thể sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là khi cây đang lớn và khi ra trái.
Dùng các biện pháp phủ gốc để tránh cỏ mọc dại và xới gốc 3 lần/năm giúp cây không bị hút bớt chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, bà con cần phải chăm sóc cây vú sữa bằng cách bón phân định kỳ cũng như phòng ngừa các loại sâu bệnh. Những vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày ở những bài viết tiếp theo.
Chiết cành vú sữa đúng cách, đúng kỹ thuật là một yêu cầu cơ bản để cho ra những cây con khỏe mạnh, phát triển tốt. Khi cây mới cắt cành, bà con cần cẩn thận chăm sóc để cây có thể sống và sinh trưởng. Chúc bà con thành công trong việc chiết cành vú sữa!