Cách trồng và chăm sóc thanh long mau ra hoa đậu quả
Kích thước chữ
Cách trồng và chăm sóc thanh long đúng kỹ thuật không chỉ giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh còn cho ra trái chuẩn, to tròn, sai quả đạt chất lượng và năng suất cao. Trong quá trình trồng thanh long bà con cần hiểu rõ về đặc tính của cây, điều kiện môi trường và thời tiết tại khu vực trồng, thì mới có thể chăm sóc cây phát triển xanh tốt, khỏe mạnh, mau ra trái.
Trong bài viết này AQ sẽ hướng dẫn bà con phương páp trồng và chăm sóc cây thanh long xanh tốt, mau ra trái, cùng với các thông tin liên quan về kỹ thuật canh tác, để trái phát triển to tròn, sai quả.
Tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc thanh long
Cách trồng và chăm sóc thanh long để mang về năng suất cao đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu. Từ lựa chọn giống trồng chất lượng, sạch bệnh, khu vực trồng phải đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, mật độ trồng,…Sau khi trồng xong việc tiến hành chăm sóc sẽ giúp tăng giá trị kinh tế và đảm bảo năng suất, cây phát triển xanh tốt.
Đặc điểm hình dáng của cây thanh long
Cây thanh long là loại cây thuộc họ xương rồng, tên khoa học là Hylocereus undatus, xuất xứ từ khu vực Trung Mỹ được trồng phổ biến ở nhiều vùng nước ta. Thanh long có giá trị kinh tế cao, được trồng để xuất khẩu sang nhiều nước trên toàn thế giới. Đặc điểm vượt trội trên các bộ phận của thanh long như sau:
🔶Bộ rễ: Gồm có hai loại rễ: rễ khí sinh và rễ địa sinh. Rễ địa sinh phát triển trong đất, chuyên hút chất dinh dưỡng và nước để nuôi cây. Còn rễ khí sinh là phần mọc ra từ cành, thân của thanh long có tác dụng như một giá đỡ, bám vào trụ để giúp cây đứng vững, leo rộng sang khu vực khác để mở rộng điện tích phát triển.
🔶Thân và cành: Cấu tạo thành 3 cánh dẹt, một số cành còn có tận 4 – 5 cánh mọc ra, Chiều dài của thùy (phần rìa lồi lên của cành thanh long) vào khoảng 3 – 4cm, ở rìa ngoài của thùy mọc gai theo chùm, mỗi chùm gai cách nhau một đoạn ngắn.
🔶Hoa: Thuộc hoa lưỡng tính, bông lớn, có chiều dài từ 25 – 35cm, các cánh hoa dính vào nhau thành các lớp màu trắng, có nhiều đài. Thời gian hoa nở kéo dài trong vòng 10 ngày, có xu hướng nở đồng loạt vào 20 – 23 giờ đem.
🔶Quả: Hình dạng tròn hoặc dáng oval, phần đầy lõm vào bên trong, vỏ có màu xanh khi chín có màu hồng đậm, xung quanh có gắn các vảy dài được gọi là tai trái. Phần thịt có quả ngọt hơi chua nhẹ, mềm, đa dạng màu sắc tùy vào từng giống, phổ biến nhất là màu trắng và màu đỏ, có nhiều hạt nhỏ màu đen.
🔶Hạt: Xuất hiện rất nhiều trong thịt quả, kích thước rất nhỏ, có màu đen.
Công dụng và giá trị dinh dưỡng từ quả thanh long mang lại
✔️Cây thanh long có giá trị kinh tế cao, là một trong những hoa quả tươi được xuất khẩu lớn tại Việt Nam.
✔️Là loại quả có tính mát cao, chứa nhiều chất có lợi khác nhau như: Chất đạm, chất xơ, sắt, magie, vitamin C,…
✔️Ngoài ăn khi đã chín, thanh long còn được làm thành nhiều món khác nhau như: Phơi khô làm trà, thanh long sấy, sinh tố thanh long, ăn kèm với salad,…
✔️Thanh long rất có lợi cho sức khỏe, có thể phòng ngừa, điều trị nhiều bệnh như: Chống oxy hóa, tránh lão hóa da, hỗ trợ hệ tiêu hóa đặc biệt tình trạng táo báo, kiểm soát đường huyết, bổ máu, tốt cho tim mạch, hỗ trợ giảm cân và ngăn ngừa ung thư.
Các loại đất thích hợp để trồng cây thanh long
Cây thanh long có thể thích nghi ở tất cả các loại cây trồng, chính vì vậy loại cây này có ở khắp các tỉnh thành ở Việt Nam. Nhưng để phát triển toàn diện và cho ra năng suất cao, đất trồng cần một số đặc tính như: Thoát nước tốt, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, sạch mầm bệnh, độ pH cân bằng trong khoảng từ 5,5 – 6,5. Dưới đây là một số loại đất trồng phù hợp với cây thanh long như sau:
🔶 Đất đỏ bazan: Loại đất này thường được thấy ở khu vực Tây Nguyên, thoát nước tốt, màu mỡ, giàu dinh dưỡng để cây phát triển.
🔶 Đất phù sa: Xuất hiện chủ yếu ở các khu ven sông giữ ẩm tốt, giàu dinh dưỡng, nhưng phải cải tạo để giúp đất trồng dễ thoát nước hơn.
🔶 Đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha: Cấu trúc đất dễ thoát nước, tơi xốp, phù hợp với bộ rễ của cây thanh long.
🔶 Đất xám: Cây thanh long có thể trồng được trên đất xám vì khả năng thoát nước tốt nhưng cần bón thêm các loại phân bón hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Điều kiện môi trường thích hợp để trồng và chăm sóc thanh long
Một số yếu tố quan trọng để giúp cây thanh long sinh trưởng tốt bao gồm:
◀️Nhiệt độ: Thanh long sẽ phát triển tốt ở nhiệt độ dao động từ 28 – 40 độ C. Nếu nhiệt độ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa, đậu trái của cây. Còn nhiệt độ quá cao sẽ khiến cây bị bốc hơi nhanh và dần chết khô.
◀️Ánh sáng: Là cây ưa ánh sáng, có thể chống chịu hạn tốt, quá trình quang hợp rất quan trọng sẽ giúp cây sinh trưởng xanh tốt và kích thích cây ra hoa và đậu trái thành công.
◀️Độ ẩm và nước: Tuy là cây chịu hạn tốt nhưng không thể chịu được ngập úng, độ ẩm quá cao vì sẽ khiến cây phát sinh nhiều loại bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến sức đề kháng và có thể dẫn đến cái chết nếu bị nhiễm quá nặng.
◀️Mật độ trồng: Khoảng cách giữa các cây với nhau cần trồng thưa vì thanh long ưa ánh sáng, một ha sẽ từ 900 – 1100 trụ, mỗi cây cách 3 – 3,5m, mỗi hàng cách nhau cũng 3 – 3,5m giúp thông thoáng và chăm sóc cũng tiện.
Chuẩn bị gì trước khi thực hiện cách trồng và chăm sóc thanh long
Trước khi đi vào kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long, khâu chuẩn bị như: Xử lý đất trồng, chọn giống, thời điểm trồng thích hợp,…là các bước cần phải thực hiện để đảm bảo vườn thanh long sau này phát triển xanh tốt, đảm bảo năng suất cho nhà vườn.
Chọn thời điểm thích hợp để trồng cây thanh long?
Thời điểm lý tưởng để thực hiện cách trồng và chăm sóc thanh long là vào tháng 10 – 11 dương lịch vì đây là giai đoạn có thể tận dụng được lượng nước mưa cuối mùa, đất trồng giữ độ ẩm tốt, giúp hom giống nhanh bén rễ, hấp thụ đủ dinh dưỡng để phát triển, hạn chế tình trạng ngập úng. Đối với những nơi thiếu nước như Vũng Tàu, Bình Thuận cần tưới vào đầu mùa mưa (tháng 5 – 6 dương lịch).
Xử lý đất trồng cây thanh long
Việc xử lý đất trồng chia ra làm hai vùng phổ biến chuyên trồng thanh long ở nước ta:
🔶Vùng đất cao:
◀️Đất trồng tại các khu vực này đa số là đất xám bạc màu, đất núi, đất cát pha, đất dễ xói mòn nên cần bón nhiều phân hữu cơ.
◀️Cày bừa, xới đất sau đó rắc vôi khử khuẩn hoặc sử dụng sản phẩm Biosoil giúp cải tạo lại đất trồng, tăng vi sinh có lợi. Sau đó tiến hành phơi ải cho đất trồng trong vòng 15 – 20 ngày mới được chôn trụ.
◀️Xong thời gian phơi ải, bắt đầu chôn trụ, thực hành xong, đào quanh trụ với độ sâu 20cm, độ rộng 1,5cm sau đó bón thêm phân chuồng đã ủ hoai mục và tiến hành trồng hom giống xuống.
🔶Vùng đất thấp, nhiễm phèn: Cần phải cày bừa, xới đất thật kỹ vào mùa nắng, phơi ải đất nhằm loại bỏ hoàn toàn cỏ dại xâm nhập, nấm bệnh có trong lòng đất, có thể khử khuẩn bằng vôi hoặc dùng Biosoil để cải tạo lại đất trồng. Chú ý, các luống trồng cần cách mặt ruộng 40cm để phòng tránh ngập úng vào mùa mưa.
Lựa chọn giống cây thanh long khỏe mạnh
Cây thanh long có hai loại giống phổ biến gồm thanh long đỏ và thanh long trắng. Tùy vào sở thích và nhu cầu thị trường mà nhà vườn nên sử dụng giống phù hợp.
Để chuẩn bị hom giống trồng cần lựa những cành đạt tiêu chuẩn, không quá non cũng không quá già, cành thẳng không cong vẹo hay nhiễm sâu bệnh, hom mập có màu xanh đậm, các mắt gai có khả năng nẩy chồi tốt, mẩy.
Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc thanh long
🔶 Chuẩn bị trụ dựng:
Trước khi tiến hành cách trồng và chăm sóc thanh long bà con cần chuẩn bị dựng trụ cho cây. Có thể lựa chọn trụ sống hoặc trụ bằng xi măng cốt, trong đó trụ bằng xi măng được nhiều người dân sử dụng nhất vì tiện lợi và dễ chăm sóc cây hơn.
Chọn trụ có kích thước 11x11x180cm, sau đó tiến hành chôn trụ với độ sâu khoảng 40 – 50cm, luôn đảm bảo sau khi chôn xong chiều cao của trụ trên mặt đất từ 1,3 – 1,4m sẽ giúp cành thanh long phát triển tốt, dễ chăm và thu hoạch.
🔶 Quy trình trồng thanh long qua từng bước:
◀️Bước 1: Lựa chọn những cành giống to khỏe, không biến dạng, cong vẹo, không nhiễm sâu bệnh, nên lựa những cành thẳng có số tuổi trên 6 tháng, hom giống dài từ 30 – 40cm có đáy hom dài 3 – 5cm.
◀️Bước 2: Phần hom giống sẽ tiến hành cắt bỏ phần thịt bên ngoài chừa lại phần lõi để ngăn không cho hom giống bị thối.
◀️Bước 3: Những cành giống vào dung dịch trừ nấm như Phy Fusaco trong vòng 5 phút. Để giúp cành mau ra rễ và đâm chồi bà con có thể giâm trước khi trồng thẳng xuống vườn hoặc chậu.
◀️Bước 4: Đặt nhẹ phần lõi giống xuống đất trồng, hướng mặt phẳng của cành giống sẽ áp sát theo chiều thẳng đứng vào trụ , dùng dây để buộc chặt cành, mỗi trụ sẽ đặt khoảng 4 hom giống. Khi đã trồng xong bà con tưới nước để tạo độ ẩm giúp cây mau ra rễ.
Chăm sóc cây thanh long sau khi trồng xanh tốt ra trái chuẩn
Để đảm bảo cây thanh long phát triển và sinh trưởng tốt, giúp cây mau thích nghi với môi trường mới, lớn nhanh, hạn chế nhiễm các loại bệnh cây trồng, sâu, côn trùng tấn công hãy áp dụng theo các cách chăm sóc được trình bày chi tiết dưới các phần sau.
Kỹ thuật bón phân
Việc bón phân cho cây là một trong những cách chăm sóc không thể thiếu để cây trồng phát triển, hỗ trợ cho quá trình ra hoa, đậu trái.
Chú ý mỗi giai đoạn phát triển của thanh long là cách bón và liều lượng phân đều khác nhau:
- Cây dưới 1 năm tuổi: Sau khi đã trồng xuống đất được 2 tuần, lúc này rễ đã bắt đầu phát triển gần như hoàn chỉnh, thời điểm này rất thích hợp để bón đợt phân đầu tiên. Bón phân NPK với liều lượng 0,2 – 0,3 kg/trụ/lần. Bón định kỳ cách 10 ngày/lần, bắt đầu từ tháng thứ 4 sẽ bón từ 15 ngày/lần.
- Cây từ 1 – 3 năm tuổi: Đến giai đoạn này cây bắt đầu đi vào thời kỳ ra hoa, đậu trái, cần tiến hành bón từ 4 – 6 lần vào mỗi năm. Lưu ý lượng phân bón cho mỗi trụ là từ 0,3 – 0,5kg/trụ. Để tăng chất lượng trái có thể sử dụng phân bón AQ55 Mfruit giúp nuôi dưỡng trái khỏe, chất lượng đạt tiêu chuẩn.
Cắt tỉa cành, tạo tán
Việc cắt tỉa cành sẽ được thực hiện sau khi thu hoạch xong. Những cành mọc từ mặt đất sẽ được giữ lại để cột vào trụ giúp cây tránh bị gãy do mưa gió. Giữ lại những cành khỏe mạnh, áp dụng theo nguyên tắc 1 cành mẹ hai cành con đối với các cành trên đỉnh trụ.
Loại bỏ đi những cành bị sâu bệnh gây hại, những cành đã quá già, không còn khả năng ra trái.
Cung cấp nước tưới
Tuy là cây chịu hạn tốt nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài mà không tưới nước cho cây, sẽ rất dễ làm cây mất nước, sức đề kháng giảm sút từ đó làm giảm ra hoa, đậu trái của cây.
Nếu trồng thanh long với diện tích lớn, bà con nên thiết kế hệ thống tưới nước tự động, hệ thống phun sương để luôn duy trì độ ẩm lý tưởng để cây sinh trưởng khỏe mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cách 3 – 7 ngày nên tưới 1 lần, tùy vào thời tiết và cấu trúc đất trồng.
Tủ gốc giữ ẩm
Để hạn chế sự thoát hơi nước nhanh chóng đặc biệt vào mùa khô hạn, nắng nóng kéo dài bà con cần tủ gốc cho cây. Phương pháp này giúp giữ ẩm, giảm cỏ dại, bổ sung các chất hữu cơ giúp cây phát triển khỏe mạnh. Phủ trên bề mặt gốc trồng bằng rơm, rạ, cỏ khô, mùn cưa và bèo lục bình.
Dọn cỏ, vệ sinh vườn
Vệ sinh vườn thường xuyên, nhổ bỏ toàn bộ các loại cỏ dại mọc trong vườn thanh long. Để giảm bớt mật độ cỏ mọc, trước khi trồng cần cày xới, phơi ải thật kỹ đặc biệt nên tiến hành vào mùa nắng giúp đốt cháy, làm hư hỏng nhanh chóng, hạt giống cỏ dại sẽ không nảy mầm được.
Ngoài ra để phòng trừ cỏ dại bà con có thể trồng xen canh với một số cây ngắn ngày vừa gia tăng thu nhập vừa hạn chế cỏ dại mọc um tùm.
Phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trình canh tác, chăm sóc cho cây thanh long việc nhiễm sâu bệnh là điều không thể tránh khỏi, nhưng để ngăn chặn và giảm bớt mật độ gây hại bà con cần lên kế hoạch phòng trừ từ sớm.
Cây thanh long hay bị hai loài côn trùng đó là kiến và ruồi đục trái xâm nhập, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Để phòng trừ, bà con có thể sử dụng bẫy hoặc mồi đánh bả vừa an toàn vừa giảm bớt công sức.
Ngoài ra, thanh long còn bị nhiễm một số loại bệnh cây trồng phổ biến như: Thối cành, vàng lá, bệnh thối trái, đốm nâu,…Để tránh cây bị nhiễm bệnh quá nặng, phòng trừ bệnh hiệu quả bà con nên sử dụng các sản phẩm phun phòng an toàn được điều chế từ các thành phần sinh học như Phy Fusaco, Tribe vacci gold.
Phía trên là toàn bộ nội dung về cách trồng và chăm sóc thanh long đã được AQ trình bày chi tiết về đặc điểm, cách trồng và hướng chăm sóc cụ thể. Từ đó, giúp bà con có thêm thật nhiều kiến thức để hỗ trợ cho quá trình canh tác vườn thanh long, giúp đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo.