Cách trồng ngò gai đơn giản tại nhà, ăn hoài không hết
Kích thước chữ
Cách trồng ngò gai không hề khó vì ngò gai là một loại cây dễ sống và cho ra năng suất cao nhất trong các cây rau màu có thể trồng tại nhà. Tuy nhiên, để có thể trồng rau ngò gai đạt hiệu quả cao và ổn định thì đòi hỏi chủ vườn phải biết kỹ thuật trồng tốt nhất. Sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với bà con cách trồng cây ngò gai thu hoạch nhanh nhất.
Tìm hiểu về cách trồng ngò gai
Cây ngò gai hay còn được gọi là rau mùi tàu, là một loại rau kha quen thuộc với người Việt Nam và một số nước tại khu vực Đông Nam Á. Loại rau này rất tốt cho sức khỏe con người, có tác dụng hỗ trợ và điều trị sỏi thận, chữa nhiệt miệng…
Đặc điểm của cây ngò gai trồng tại nhà
Cây rau ngò gai có tên khoa học là Eryngium foetidum L., đây là một loại rau thuộc họ Hoa tán, thuộc cây thân thảo. Là một loại cây rau có mùi thơm đặc biệt. Lá của cây gồm các phiến lá mỏng hình mác, dài 5-10cm, rộng 1-4cm, mép có răng cưa nhọn. Lá cây thường xếp chồng lên nhau và tỏa ra. Cuống lá mọc trực tiếp từ gốc cây và phân thành nhiều tầng lá khác nhau.
Thân của cây phát triển khi sắp ra hoa. Cây có hoa nhỏ, hoa hình bầu dục hoặc hình trụ. Quả của cây có hình cầu và hơi dẹt, trong đó chứa nhiều hạt để làm giống.
Thời vụ trồng ngò gai cho hiệu quả cao
Cây rau ngò gai có thể được trồng quanh năm vì đây là một loại cây dễ thích nghi với mọi loại thời tiết. Tuy nhiên, để tránh sâu bệnh phát triển cũng như tránh mùa mưa làm hư cây, bà con nên trồng cây vào mùa xuân và mùa thu. Từ khi trồng cây cho đến khi thu hoạch chỉ mất 30-45 ngày, nhanh hơn so với các loại cây rau màu khác.
Lợi ích của việc trồng ngò gai tại nhà
Ngò gai là một loại rau thường được dùng để ăn sống hoặc chế biến cùng những loại thực phẩm khác để kích thích mùi thơm và giúp người ăn thấy ngon miệng hơn.
Ngoài ra, ngò gai còn là một loại cây được sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh như trị hôi miệng, chữa sốt nhẹ, trị kiết lỵ, đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, trị cảm mạo… nhưng những phụ nữ mang thai không được ăn ngò gai vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Đồng thời, lá và hạt ngò gai có thể gây kích ứng da, vì vậy, khi tiếp xúc thường xuyên với lá và hạt của cây thì cần mang găng tay để giảm sự tiếp xúc.
Cây ngò gai có rất nhiều công dụng tốt cho cơ thể con người nên rất cần có một chậu ngò gai tại nhà để có thể sử dụng bất kỳ lúc nào, tiết kiệm được thời gian cho bà con.
Chuẩn bị gì trước khi thực hiện cách trồng ngò gai
Cách trồng ngò gai phổ biến nhất hiện nay là bà con thường lấy cây còn ít gốc và đem trồng xuống đất cho cây ra lá mới. Đối với biện pháp này, không phải cây ngò gai nào cũng sống mà thường dễ bị bệnh hại. Do đó, cần phải xử lý đất cũng như lựa chọn giống tốt nhất để cây ngò gai có thể phát triển tốt.
Chuẩn bị đất trồng cây ngò gai
Cây ngò gai cần rất nhiều dinh dưỡng để nuôi cây và cho ra nhiều lá. Do đó, đất trồng cây ngò gai cần phải là loại có nhiều dinh dưỡng và thoát nước tốt. Bà con nên trộn hỗn hợp đất thịt với trấu, xơ dừa và phân trùn quế để đất tốt, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt nhất cho cây ngò gai.
Đồng thời, đối với đất đã từng trồng ngò gai, cần phải cho đất nghỉ khoảng 1 tháng và xử lý đất để loại bỏ mầm bệnh còn tồn tại trong đất.
Lựa chọn hạt giống rau ngò gai khỏe mạnh
Cây ngò gai có thể trồng bằng hạt hoặc cây giống. Đối với hạt giống thì bà con nên lựa chọn nơi bán hoặc đại lý uy tín, đảm bảo hạt chắc khỏe, không sâu bệnh.
Nếu mua hạt từ những người trồng ngò gai thì nên lựa chọn những người trồng cây không bị sâu bệnh hoặc phải nắm rõ tình hình ruộng ngò gai của họ, để đảm bảo hạt giống không bị lây nhiễm, đặc biệt là bệnh thối gốc do vi khuẩn.
Chọn cây ngò gai khỏe mạnh không bị sâu bệnh
Nên lựa chọn cây giống khỏe mạnh, không có sâu bệnh. Kiểm tra phần rễ của cây phải tốt, không có biểu hiện của bệnh. Tiến hành phủi bỏ lớp đất trên rễ để đảm bảo loại bỏ được các mầm bệnh có thể tồn tại trong đất.
Hướng dẫn cách trồng ngò gai trong chậu tại nhà qua từng bước
Khi trồng ngò gai trong chậu, bà con có thể trồng trong chậu nhựa hoặc thùng xốp có kích thước rộng để các cây con khi mọc ra có thể phát triển tốt. Mỗi cây nên cách nhau khoảng 5-10cm, lúc đó, khi ra lá, các cây sẽ không mọc quá sát nhau, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển cũng như hạn chế bị hư lá do va quẹt.
Đối với trồng ngò gai trong chậu từ cây giống, bà con chỉ cần tạo một hốc đất vừa vừa phần gốc và rễ của cây giống. Sau đó, đặt cây vào hốc và lấp đất lại. Hơi nén nhẹ đất một xíu để cây đứng vững.
Đối với việc trồng hạt giống, bà con cần thực hiện các bước sau:
Bước 1. Phơi hạt giống ngoài nắng trong vòng 3 tiếng.
Bước 2. Ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 30 phút rồi tiến hành vớt bỏ những hạt lép nằm nổi trên nước. Sau đó, vớt hạt ra.
Bước 3. Tạo các ô đất nhỏ bằng cách lấy ngón tay chọt vào tạo thành từng ô đất, không sâu quá 1,5cm và gieo hạt vào từng ô, sau đó lắp đất lại.
Sau cùng, mọi người tưới ẩm đất cho cây.
Chăm sóc cây ngò gai nhanh lớn thu hoạch cả năm
Rau ngò gai phát triển tốt khi được trồng ở nơi có bóng râm, ánh nắng vừa phải không quá gắt, chỉ cần được phơi nắng tầm 5-6 tiếng/ngày. Nếu để cây ngò gai ở ngoài nắng quá lâu sẽ khiến lá bị nhạt màu và thiếu nước, ít cây con.
Tưới nước cho cây ngò gai
Cây rau ngò gai rất ưa ẩm, do đó, nên thường xuyên tưới nước cho cây, từ 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên, nếu nhận thấy đất quá ẩm hoặc vào mùa mưa thì hạn chế tưới để tránh cây bị nấm bệnh gây thối rễ.
Đối với bà con trồng ngò gai ở ruộng nên tạo các rãnh thoát nước cho cây. Còn khi trồng ở những chậu và thùng xốp thì nên đảm bảo chậu/thùng xốp có lỗ thoát nước.
Bón phân cho cây rau ngò gai
Luân phiên bón phân hữu cơ hoặc phân trùn quế cho cây mỗi tháng 2 lần giúp cây có đủ dinh dưỡng phát triển. Nên hòa phân bón vào nước và tưới nhẹ vào dưới gốc cây, không tưới mạnh làm cho đất văng lên cây gây chết cây con.
Sau từ 2-3 tháng, cây ngò gai lớn thì tiến hành cắt lá để dùng.
Phòng trừ sâu bệnh gây hại cây ngò gai
Rau ngò gai rất ít bị sâu bệnh nên bà con không cần phải phun thuốc cho cây. Tuy nhiên, khi thấy cây có một số dấu hiệu như vàng lá do mưa nhiều ngày hoặc nắng gay gắt dẫn đến thiếu nước thì bà con nên cắt bỏ các lá vàng và kiểm tra lại độ ẩm đất của cây, sau đó thay đổi phương thức chăm sóc cho cây. Sau 1 tuần, cây sẽ cho ra đợt lá mới.
Cách trồng ngò gai đơn giản, dễ dàng tại nhà chỉ với một vài thao tác nhỏ. Bà con có thể tận dụng các thùng xốp hay các chậu cây ở nhà để tiến hành trồng cây ngò gai. Những bụi ngò gai sẽ giúp khu vườn của gia đình bà con thêm xanh mát. Chúc bà con thành công trong việc trồng cây ngò gai!