Các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô và phương pháp chăm sóc
Kích thước chữ
Các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô có khác biệt về nhu cầu dinh dưỡng và nước không? Đâu là giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất đối với cây ngô? Ngô sinh khối khác biệt ra sao với ngô thường? AQ sẽ giải đáp toàn bộ các câu hỏi liên quan về cây ngô trong bài viết này.
Tìm hiểu về các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô
Trồng ngô lấy hạt hay ngô lấy thân (ngô sinh khối) đều cần nắm bắt và hiểu rõ các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô. Kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết giúp bà con có hướng canh tác cụ thể, phù hợp với giống ngô muốn trồng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng thương phẩm thu hoạch.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển của cây ngô còn dựa trên các yếu tố như bón phân, tưới nước, thuốc dinh dưỡng, thuốc trị sâu bệnh hại. Sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm sẽ tạo cơ hội cho ruộng ngô của bà con phát triển tối đa, hạn chế nguy cơ dịch hại tấn công trên diện rộng,
Đặc điểm hình dạng của cây ngô
Để hiểu rõ hơn về các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô, chúng ta cùng điểm qua một số nét đặc trưng về các bộ phận của loại cây trồng này.
Tên gọi | Giải nghĩa |
Cây ngô (bắp) | Tên khoa học: Zea May L, họ Grammineae.
Cây hằng năm, thân thảo. |
Rễ | Dạng rễ chùm, gồm có các loại rễ như: rễ mầm, rễ thứ cấp, rễ thật và rễ khí sinh. |
Thân | Dáng thẳng, lõi đặc, ít đâm nhánh. |
Lá | Gồm beh lá, phiến lá, lá mo (lá vi, vỏ trái).
Lá mọc từ mắt trên thân, 1 thân có từ 12 – 22 lá. |
Hoa | Thụ phấn theo hình thức đồng chu.
Phát hoa đực (cờ) mọc ở đỉnh thân, phát hoa cái (trái bắp) mọc ở nách lá. |
Các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô diễn ra như thế nào?
Quá trình phát triển của cây ngô được chia thành 2 phần chính là sinh dưỡng và sinh thực. Trong 2 phần này sẽ có những giai đoạn nhỏ với các yếu tố giúp cấu thành năng suất và chất lượng bắp trái cuối vụ.
🔸 Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng: tính từ giai đoạn nảy mầm đến khi trổ cờ.
🔸 Giai đoạn sinh trưởng sinh thực: tính từ giai đoạn phun râu đến khi chín hoàn toàn.
1/ Giai đoạn nảy mầm
▪️ Hạt giống sau khi được ngâm ủ ở nhiệt độ thích hợp sẽ phát triển thành 1 lá mầm bên trên.
▪️ Trụ dưới lá mầm kéo dài, từ đó bao lá mầm hình thành từ phôi hạt được đẩy lên để bảo vệ chiếc lá mầm duy nhất.
▪️ Rễ mầm sơ sinh phát triển từ đỉnh hạt ngô.
▪️ Thành tố 1 quyết định năng suất cây ngô cuối vụ: số lượng bắp/diện tích trồng.
💠 Môi trường sinh trưởng tối ưu:
- Nhiệt độ đất: 10 – 13°C.
- Độ sâu gieo hạt: 2,54 – 5,08cm.
- Độ ẩm vừa đủ, không quá hanh khô hay lạnh.
2/ Giai đoạn cây ngô có 1 – 4 lá
▪️ Những lá hoàn chỉnh sẽ hình thành từ phần cổ lá, từ lá thứ 2 – 4 có hình dạng dài và hẹp, riêng lá thứ 1 có phiến lá tròn.
▪️ Cùng lúc này, rễ mầm tiêu biến nhường vị trí cho rễ đốt phát triển. Hệ thống rễ đốt sinh trưởng mạnh mẽ khi cây ngô được 4 lá thật.
▪️ Các lá trên cây ngô non vẫn tiếp tục phân hoá tại đỉnh sinh trưởng để tăng độ dài thân ngô.
💠 Cách chăm sóc:
- Làm cỏ xung quanh ruộng ngô.
- Quản lý chặt chẽ các sâu bệnh hại chuyên tấn công cây ngô non.
3/ Giai đoạn cây ngô có 6 – 10 lá
▪️ Thời điểm nhìn thấy được cổ lá là lúc cây ngô đạt được 6 lá hoàn chỉnh. Cách đếm tính từ chiếc lá thật đầu tiên có phiến lá tròn. Các bộ phận trên cây ngô đều đã được phân hoá.
▪️ Chiều cao cây ngô tăng dần nhờ sự phát triển của các lóng trên thân.
▪️ Rễ đốt lúc này đã đâm những đốt sâu nhất ở dưới lòng đất, giúp cây ngô non đứng vững hơn, chống chịu thời tiết tốt.
▪️ Theo đó, rễ khí sinh bắt đầu phát triển ở các đốt trên khu vực sát mặt đất.
▪️ Thành tố 2 quyết định năng suất cây ngô cuối vụ: số hàng hạt/bắp.
💠 Cách chăm sóc:
- Làm cỏ, kiểm soát mật độ phát triển của cỏ dại.
- Tưới nước, bón phân phù hợp để cây ngô hấp thụ tốt nhất theo thứ tự K – N – P.
- Tránh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng tới số hạt trên 1 bắp và kích thước trái về sau.
- Phòng trừ các bệnh hại ngô như bệnh rỉ sắt, bệnh đốm nâu lá ngô, v.v.
4/ Giai đoạn cây ngô có 14 lá đến lúc trổ cờ
▪️ Đây là thời kỳ cây ngô sinh trưởng rất nhanh diễn ra trong vòng 2 tuần khi ngô ra hoa, số lá có thể tăng thêm từ 4 – 6 lá.
▪️ Cây ngô trổ cờ ở đỉnh trên cùng của cây, các bộ phận lúc này có thể nhìn thấy rõ bằng mắt, cây đạt độ cao tối đa của giống ngô được trồng.
▪️ Tuỳ giống mà cây ngô có thể phun râu hoặc chưa phun.
▪️ Thành tố 3 quyết định năng suất cây ngô cuối vụ: số hạt/hàng.
💠 Cách chăm sóc:
- Cung cấp phân bón theo nhu cầu dinh dưỡng K – N – P.
- Tăng lượng nước hơn để cây ngô bắt đầu quá trình tạo hạt hiệu quả.
- Quản lý các sâu bệnh hại có nguy cơ thành dịch như sâu đục thân ngô, sâu xanh màu thu, bệnh sọc lá ngô, đốm lá.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô trong sinh thực để hiểu cách thức cây ngô tạo hạt ra sao nhé.
4/ Giai đoạn cây ngô phun râu tới kết hạt
▪️ Râu ngô xuất hiện bên ngoài lá bi (vỏ trái), nằm dính vào hạt cuối cùng trên bắp.
▪️ Hạt phấn rơi từ phát hoa đực (cờ) theo gió đi tới râu ngô, quá trình thụ phấn thụ tinh được kích hoạt và tiến hành hình thành phôi.
▪️ Chiều cao cây ngô đạt tối đa theo giống ngô được trồng.
▪️ Giai đoạn kết hạt râu ngô chuyển sang màu nâu sậm và héo đi do đã thụ tinh xong.
▪️ 12 ngày sau hạt ngô hình thành, hạt phồng lên, có màu trắng, bên trong là chất lỏng trong suốt (85% là nước).
▪️ Thành tố 4 quyết định năng suất cây ngô cuối vụ: khối lượng hạt.
💠 Cách chăm sóc:
- Bổ sung đạm và photpho chủ yếu để vô tinh bột cho hạt bắp, nên giảm lượng kali trong phân bón.
- Lượng nước tưới tăng lên, có thể điều chỉnh dựa theo điều kiện thời tiết.
- Không nên để đất trồng bắp lấy hạt quá khô sẽ ảnh hưởng tới số hạt/bắp và năng suất cuối vụ.
5/ Giai đoạn cây ngô chín sáp
Vào năm 2017 khi mô hình ngô sinh khối được ứng dụng để làm nguồn thực phậm cho động vật chăn nuôi như bò sữa, bò thịt nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao. Thời điểm đó do chưa phát triển giống ngô sinh khối cho nên bà con lựa chọn giai đoạn ngô chín sáp để thu hoạch.
▪️ Chất lỏng ban đầu đặc lại thành tinh bột dạng sáp (từ 26 – 30 ngày sau khi phun râu).
▪️ Độ ẩm hạt ngô đạt khoảng 70%, ở đỉnh hạt có xu hướng lõm xuống theo hình răng ngựa.
6/ Giai đoạn cây ngô hình thành răng ngựa tới thu hoạch
▪️ Trong điều kiện thuận lợi, đa số các hạt ngô đều lõm xuống theo hình răng ngựa ở định, hai đầu ở rìa dày lên, độ ẩm hạt lúc này đạt 55% (từ 38 – 42 ngày sau khi phun râu).
▪️ Vỏ trái bên ngoài chuyển dần sang màu nâu sạm, các tầng lá phía dưới héo dần.
▪️ Phần chân hạt bắp xuất hiện quầng đen nhằm ngăn ngừa các dinh dưỡng dư thừa đi vào hạt (từ 50 – 60 ngày sau khi phun râu).
▪️ Độ ẩm hạt đạt từ 30 – 35% là thể thu hoạch, cây ngô chín trái một cách tự nhiên.
💠 Cách chăm sóc:
- Theo dõi diễn biến thời tiết để ứng phó kịp thời nếu nắng hạn, mưa to gió lớn xảy ra.
- Phun thuốc trừ sâu đục thân ngăn ngừa tình trạng gãy thân, cây đổ ngã giai đoạn thu hoạch.
Hy vọng bài viết về các giai đoạn sinh trưởng của cây ngô từ AQ sẽ hỗ trợ bà con đạt hiệu quả cao trong canh tác và chăm sóc ruộng ngô lấy hạt. Bên cạnh đó, bà con có thể cân nhắc kết hợp mô hình ngô sinh khối nhằm tăng hiệu quả kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định.