Mô hình trồng bí xanh bò đất không cần giàn mau ra trái
Kích thước chữ
Trồng bí xanh bò đất là phương pháp trồng không cần giàn nhưng cây vẫn phát triển tốt, cho ra trái to tròn, nặng ký. Tiết kiệm chi phí làm giàn và phù hợp với nhiều loại đất, với cách trồng này, bí xanh bám đất tốt, hạn chế đổ ngã, cho năng suất cao và quả to, đều.
Để đạt hiệu quả tối ưu, người trồng cần chú ý khâu chọn giống, chuẩn bị đất, bón phân hợp lý và phòng trừ sâu bệnh đúng cách. Nội dung dưới bài viết này. Sinh Học AQ sẽ hướng dẫn quý bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc bí xanh, giúp bà con có được vụ mùa bội thu và cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.
Tìm hiểu về cách trồng bí xanh bò đất

Trồng bí xanh bò đất là phương pháp phù hợp với những khu vực có diện tích rộng, đất tơi xốp và khả năng thoát nước tốt. Khi tiến hành trồng bằng cách này, sẽ giúp bà con tiết kiệm chi phí và công sức làm giàn, trồng ở dưới đất, bí sẽ dễ hấp thụ dinh dưỡng, sinh trưởng khỏe mạnh và cho quả to, đều.
Trước khi đi đến các phần hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc bí, bà con cần tìm hiểu về một số đặc điểm, yếu tố sinh trưởng, lợi ích, thời vụ thích hợp để trồng bí xanh dưới các phần sau đây.
Đặc điểm hình dáng của cây bí xanh

Cây bí xanh có tên khoa học là Benincasa hispida, còn được gọi là bí đao, thuộc họ bầu bí, được trồng phổ biến để làm thực phẩm. Đây là loại cây thân thảo, sinh trưởng mạnh, thích hợp với điều kiện hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, được trồng phổ biến trên khắp tỉnh ở nước ta.
Cây bí xanh có đặc điểm hình dáng như sau:
🔶 Thân: Dạng dây leo, bò dài trên mặt đất hoặc leo giàn, có tua cuốn để bám vào vật thể xung quanh.
🔶 Lá: Hình tim, mép lá có răng cưa, mặt lá phủ lớp lông mịn.
🔶 Hoa: Hoa đơn tính, màu vàng, nở vào sáng sớm, thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng.
🔶 Quả: Hình trụ hoặc bầu dục, vỏ màu xanh đậm hoặc xanh nhạt, có lớp phấn trắng bao phủ. Khi chín, quả có thể giữ được lâu mà không bị hư hỏng.
🔶 Rễ: Hệ rễ phát triển mạnh, ăn sâu giúp cây hấp thụ nước và dinh dưỡng tốt.
Công dụng của cây bí xanh
✅ Bí xanh có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều nước, chất xơ, vitamin (C, B1, B2) và khoáng chất (Kali, magie), giúp thanh nhiệt, giải độc và hỗ trợ giảm cân. Được dùng để nấu các món ăn ngon hoặc chế biến thành các sản phẩm khác như: Mứt, làm trà khô uống,…
✅ Ăn bí xanh tạo cảm giác no lâu và có hàm lượng chất xơ cao nên hỗ trợ giảm cân rất tốt. Nước ép bí còn giúp thanh lọc cơ thể, giảm mỡ thừa và cải thiện làn da trở nên tươi trẻ.
✅ Bí xanh có tính mát, có tác dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, làm mát gan và giảm nguy cơ nổi mụn.
✅ Giúp kiểm soát huyết áp nhờ lượng kali cao, có lợi cho người bị cao huyết áp hoặc bệnh tim mạch, ngăn ngừa táo bón, cải thiện hệ tiêu hóa.
✅ Ngoài ra, bí xanh còn được sử dụng để ép dầu, làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Lá và thân cây có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, giúp tăng hiệu quả chăn nuôi.
Loại đất nào thích hợp để trồng bí xanh bò đất
Bí xanh thích hợp trồng trên các loại đạt đủ tiêu chí như: Tầng canh tác dày, độ pH từ 6,5 – 7, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Loại đất phù hợp nhất đó là đất thịt nhẹ và đất pha cát. Khi trồng bí xanh cần chọn ruộng ở nơi cao ráo, thuận tiện để tưới tiêu.
Các yếu tố ảnh hướng đến quá trình phát triển của cây bí xanh
◀️ Khí hậu: Bí xanh là loại cây ưa khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, thích hợp trồng ở nhiều vùng khác nhau. Cây sinh trưởng tốt trong môi trường thoáng đãng, ít chịu ảnh hưởng bởi sương muối và thời tiết quá lạnh.
◀️ Nhiệt độ: Phát triển tốt trong nhiệt độ khoảng từ 24 – 30°C. Nếu nhiệt độ dưới 15°C, cây sẽ sinh trưởng chậm, ra hoa kém hoặc không ra hoa, hoa và quả bị rụng. Trên 35°C, cây có thể bị héo hoặc giảm năng suất do mất nước nhanh.
◀️ Ánh sáng: Bí xanh cần nhiều ánh sáng mặt trời để quang hợp và phát triển mạnh. Nếu hấp thụ ánh sáng không đủ hoặc bị che bóng, cây sẽ vươn dài, lá nhỏ, hoa ít, ảnh hưởng đến năng suất quả.
◀️ Độ ẩm: Cây bí xanh thích hợp sinh trưởng với khoảng độ ẩm từ 65 – 80%. Cần duy trì độ ẩm ở mức vừa phải, đất quá khô sẽ kém phát triển, còn quá ẩm sẽ làm rễ bị ngập úng hoặc thối.
Thời vụ chính để trồng cây bí xanh
Thời vụ để trồng bí xanh bò đất được chia thành 2 khu vực chính là miền Bắc và miền Nam:
◀️ Khu vực miền Bắc:
➡️ Vụ xuân hè: Được trồng từ tháng 1 – tháng 3 dương lịch. Thời tiết mùa này ấm áp, rất phù hợp để cây sinh trưởng và phát triển nhanh chóng. Thời gian thu hoachj vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè.
➡️ Vụ thu đông: Gieo trồng bắt đầu từ cuối tháng 8 – tháng 9 dương lịch, cần kết thúc trước ngày 10/10. Mùa này sẽ có ưu điểm là tránh được thời tiết nắng nóng gay gắt, nếu phát triển tốt sẽ có thể thu hoạch vào mùa đông, thời điểm tết đến.
◀️ Khu vực miền Nam: Với khí hậu nóng ẩm quanh năm thì bó xanh có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên để tăng sản lượng cho bí xanh bà con có thể chia làm thành 3 vụ chính. Vụ xuân từ tháng 1 – 3, vụ hè từ tháng 4 – 8 và vụ đông từ tháng 9 – 11.
Chuẩn bị gì trước khi thực hiện trồng bí xanh bò đất?
Để bí xanh bò đất sinh trưởng khỏe mạnh và đạt năng suất cao, khâu chuẩn bị trước khi trồng đóng vai trò quan trọng. Việc làm đất, xử lý mầm bệnh, lên luống và ngâm ủ hạt đúng kỹ thuật sẽ là bước thuận lợi cho cây phát triển ngay từ giai đoạn đầu. Dưới đây là các bước cần thực hiện để đảm bảo vườn trồng đạt hiệu quả tối ưu.
Lựa chọn giống bí xanh chất lượng cao
Hạt giống trồng bí xanh cần đảm bảo sạch mầm bệnh, được lấy từ giống mẹ khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hiện nay, giống xanh được lựa chọn trồng nhiều trên thị trường như giống bí xanh số 1, bí xanh HN999, bí đao lá xẻ sen hồng SH65, bí xanh số 2, taka w01 siêu trái. Mỗi sào bà con cần từ 15 – 20g hạt giống là vừa đủ để trồng xuống đất.
Chuẩn bị đất trồng
Bà con chuẩn bị đất trồng theo phương pháp trồng và ước tính lượng cây giống phù hợp với diện tích đất trong vườn.
◀️ Nếu áp dụng kỹ thuật trồng bí xanh trong thùng xốp hoặc không gian kín, không có vườn. Bà con có thể mua đất trộn sẵn về trồng hoặc tự trộn lấy, hỗn hợp gồm: Đất thịt + phân chuồng đã ủ hoai mục + Trichoderma + trấu hoặc xơ dừa.
◀️ Với cách trồng ngoài vườn lớn: Tiến hành cày bừa đất kỹ, phơi ải để tiêu diệt mầm bệnh và cải thiện kết cấu đất. Dọn sạch cỏ dại, đồng thời xử lý đất bằng các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế sâu bệnh phát sinh. Khi làm luống, có thể áp dụng hai phương án: luống đôi với bề rộng từ 3,5 – 4m, cao khoảng 25 – 30cm, hoặc luống đơn rộng 2,5m, đảm bảo thoát nước tốt và tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển.
Thiết kế luồng trồng
Khi trồng trên luống đôi, khoảng cách giữa các cây là 40 – 50cm, với hàng trồng cách mép luống 15 – 20cm.
Đối với luống đơn, khoảng cách giữa các cây là 40cm. Nếu áp dụng phương pháp trồng bò lan, nên sử dụng rơm rạ hoặc màng nilon phủ luống để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho đất và bảo vệ quả, tránh tình trạng quả tiếp xúc trực tiếp với đất gây thối hỏng.
Việc canh tác sẽ thuận lợi hơn khi thâm canh trên đất ruộng hai vụ lúa, tận dụng lớp gốc rạ từ vụ trước để cải thiện độ tơi xốp và giữ ẩm cho đất.
Hướng dẫn cách trồng bí xanh bò đất không cần giàn cây phát triển xanh tốt

Các bước tiến hành cách trồng bí xanh bò đất được thực hiện theo từng bước dưới đây:
✅ Bước 1: Ngâm ủ hạt giống
Tiến hành ngâm hạt trong nước ấm từ 40 – 50°C, với tỷ lệ 2 phần nước sôi : 3 phần nước lạnh trong vòng 6 – 8 tiếng. Vớt hạt ra, xả sạch với nước, sau đó bọc vào vải ẩm để ủ. Giữ độ ẩm bằng cách tưới nhẹ 2 – 3 lần/ngày. Sau 40 – 48 giờ, kiểm tra hạt. Nếu hạt đã nứt nanh, có thể tiến hành gieo trồng.
✅ Bước 2: Gieo hạt
Gieo trực tiếp: Mỗi hốc gieo 1 – 2 hạt, giúp cây sinh trưởng tự nhiên.
Ươm trước: Gieo hạt trong bầu hoặc khay, khi cây có 2 lá mầm hoặc 1 lá thật thì trồng ra ruộng.
✅ Bước 3: Chuẩn bị giá thể ươm cây
Trộn 1 phần đất bột (đất ải, đất vườn hoặc bùn mương phơi khô đập nhỏ) với 1 phần phân chuồng hoai mục và 1 phần mùn cưa hoặc trấu hun. Mỗi 20kg giá thể, trộn thêm 1kg super lân để tăng dinh dưỡng cho cây con.
✅ Bước 4: Chuẩn bị bầu hoặc khay ươm
Với diện tích 1000m², cần chuẩn bị 320 – 350 bầu (áp dụng cho phương pháp trồng bò lan). Bầu ươm có đường kính 5 – 6cm hoặc sử dụng khay nhựa 50 – 70 lỗ (kích thước 55cm x 40cm).
✅ Bước 5: Gieo hạt vào khay/bầu
Cho đất vào bầu hoặc khay, cách mặt 1cm, tưới nước đủ ẩm rồi tra hạt. Phủ lớp đất mỏng lên hạt để giữ độ ẩm và hỗ trợ nảy mầm tốt. Nếu có điều kiện, nên đặt khay ươm trong nhà lưới để hạn chế sâu bệnh và giúp cây giống phát triển khỏe mạnh.
Chăm sóc câu bí xành trồng bò đất mau ra trái, không sâu bệnh
Việc chăm sóc sau khi trồng bí xanh bò đất xong là điều không thể qua, điều này sẽ quyết định khả năng sinh trưởng, ra hoa hay đạt sản lượng nhiều hay không. Các cách chăm sóc bao gồm: Tưới nước, bón phân, trừ sâu bệnh, cắt tỉa,…Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc dưới các phần sau đây.
Tưới nước
Giai đoạn cây con cần tưới đủ ẩm, tránh khô hạn hoặc ngập úng. Khi gieo hạt trực tiếp, tưới nhẹ thường xuyên giúp hạt nhanh nảy mầm, cây bén rễ tốt. Lượng nước tưới cần chú ý từ 200 – 300 lít nước/1000m² vào mỗi ngày.
Giai đoạn ra hoa, kết quả, cung cấp đủ nước bằng nguồn sạch để cây phát triển khỏe, hạn chế sâu bệnh. Áp dụng tưới rãnh theo nguyên tắc “trên khô, dưới ẩm”. Nếu mưa lớn gây ngập, cần tháo nước ngay. Lượng nước cần tưới vào giai đoạn này từ 600 – 800 lít nước/1000m² cho mỗi ngày.
Bón phân bí xanh

➡️ Lượng phân bón cần chuẩn bị cho 1000m² rau bí xanh:
- Phân chuồng đã ủ hoai mục từ 800 – 1000kg hoặc thay thế bằng phân bón sinh học như Vi Amen.
- Đạm (N): 13 – 15kg.
- Lân (P₂O₅): 18 – 20kg.
- Kali (K₂O): 16 – 18kg.
- Vôi: Nếu đất chua, bón 20 – 25kg vôi trong quá trình cày ải để cải tạo đất.
➡️ Cách bón phân:
✅ Bón lót: Trộn đều và bón toàn bộ lượng phân chuồng + lân + 1/4 đạm + 1/4 kali trước khi trồng.
✅ Bón thúc lần 1: Khi cây được 30 – 35 ngày, bắt đầu bò ngả, tiến hành bón thêm 1/4 đạm + 1/4 kali để kích thích phát triển thân lá.
✅ Bón thúc lần 2: Khoảng 15 – 20 ngày sau khi bón thúc lần 1, khi cây vào giai đoạn đậu quả rộ, bổ sung toàn bộ lượng đạm và kali còn lại để nuôi quả.
Cách chăm sóc khác

✅ Tiến hành tỉa nhánh để cây phát triển tối ưu. Nếu thu hoạch quả non, chỉ giữ lại 2 – 3 nhánh/cây. Nếu thu quả già, ưu tiên duy trì nhánh chính để tập trung dinh dưỡng.
✅ Khi bí bắt đầu bò lan, phủ rơm rạ lên mặt luống nhằm hạn chế cỏ dại và giữ cho quả sạch, tránh bị thối do tiếp xúc trực tiếp với đất.
✅ Thường xuyên kiểm tra tình trạng cây để kịp thời phát hiện và xử lý sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật.
✅ Phun phòng trừ sâu bệnh trong suốt quá trình canh tác bí xanh. Một số sâu bệnh tấn công cây bí xanh phải kể đến như: Bọ trĩ, rệp, ruồi đục lá, bệnh lở cổ rễ, bệnh sương mai, phấn trắng khảm lá,…Bà con có thể tham khảo ứng dụng một số sản phẩm sinh học để phòng trị sâu bệnh như: Mebe Pa (diệt trừ sâu, côn trùng hút chích), Phy Fusaco (ngăn ngừa các loại nấm bệnh) và Tribe Vacci gold (new) (điều trị vi khuẩn, virus gây bệnh),…
Một số lưu ý khi trồng bí xanh bò đất
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật trồng bí xanh bò đất bà con cần chú ý một số vấn đề như sau để đảm bảo cây phát triển, sinh trưởng khỏe mạnh:
➡️ Nếu sử dụng màng phủ nilon, cần hoàn thành bón gốc trước khi phủ để đảm bảo cây hấp thụ đủ dinh dưỡng.
➡️ Vào vụ thu đông ở miền Bắc nếu gieo trồng muộn quá, bà con nên trồng trong nhà kính có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, ngăn chặn một số tác động không tố từ thời tiết. Còn vào vụ xuân hè, cần phun phòng hai loại côn trùng phá hoại mạnh đó là rầy mềm và bệnh phấn trắng.
➡️ Trồng dưới đất bà con cần phủ nilon hoặc rơm rạ sau khi trồng cây con, để giàn sau này phát triển, bắt đầu có quả sẽ hạn chế được tình trạng nấm bệnh, côn trùng cắn phá vào quả gây hỏng thối quả.
➡️ Khi bón phân trực tiếp, nên rắc xung quanh gốc vì rễ cây bí ăn rộng,phủ toàn bộ đất để tránh mất phân.
➡️ Thời gian thu hoạch bí non sẽ sau 25 – 30 ngày từ lúc đậu quả còn muốn thu bí già khoảng 50 – 60 ngày.
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan về cách trồng bí xanh bò đất đã được Sinh học AQ hướng dẫn chi tiết. Thông qua bài viết trên, bà con hiểu hơn về đặc tính của bí xanh, biết chọn giống, làm đất sao cho chuẩn. Thực hiện kỹ trồng và chăm sóc đúng cách để vườn bí xanh đảm bảo năng suất và chất lượng từng trái.