Cách trồng cây tiêu và chăm sóc mau lớn, xanh tốt, đứng cây
Kích thước chữ
Cách trồng cây tiêu và chăm sóc cho cây phát triển xanh tốt, đứng cây, ra hoa và trái đầy cành. Để làm được như vậy đòi hỏi người trồng phải hiểu rõ về đặc tính của cây, kỹ thuật trồng và phương pháp chăm sóc cho cây tiêu.
Trong bài viết này AQ sẽ hướng dẫn cho bà con hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, cách xử lý đất trồng và làm bông kích trái cho cây, mời bà con tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu về cách trồng cây tiêu
Cách trồng cây tiêu yêu cầu đúng kỹ thuật và cẩn thận từ khâu chuẩn bị đất, chọn giống, đến chăm sóc sau khi trồng. Vì cây tiêu mang lại thu nhập cao cho bà con, nên mọi công đoạn đều cần sự cẩn trọng và chính xác với các hướng dẫn chi tiết từng bước trong cách trồng hồ tiêu như sau.
Đặc điểm hình dáng của cây tiêu
Hồ tiêu là một loại cây dây leo thuộc họ Piperaceae có nguồn gốc từ Ấn Độ và được trồng phổ biến tại nhiều quốc gia có khí hậu nhiệt đới trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Brazil.
Cây tiêu có đặc trưng là thân mềm, lá mọc đối xứng và quả nhỏ, kích thước tròn màu xanh, đỏ hoặc đen thay đổi tùy vào thời điểm thu hoạch. Hồ tiêu có vị cay nồng nên được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực.
Giá trị kinh tế từ việc trồng tiêu mang lại
Cây tiêu là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Đặc biệt hồ tiêu tại Việt Nam đã đóng góp vào giá trị xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% sản lượng trên toàn cầu.
Giá tiêu trên thị trường hiện nay tại nước ta có giá từ 143.000-145.500đ/kg. Tại khu vực Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu khoảng 143.000đ/kg, tại khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông thì giá tiêu cao hơn giao động ở mức 144.000-145.000đ/kg.
Sản phẩm từ hồ tiêu không chỉ được sử dụng trong ẩm thực mà còn mở rộng trong công nghiệp chế biến thực phẩm và dược phẩm. Giá thành của tiêu khá ổn định và tăng cao trong những năm gần đây mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Trồng cây tiêu bao lâu thu hoạch?
Thực hiện đúng kỹ thuật cho cách trồng cây hồ tiêu sẽ cho thu hoạch từ năm thứ 2 sau khi trồng. Trong khoảng thời gian canh tác cây cần được chăm sóc đáp ứng về mặt dinh dưỡng và phòng chống sâu bệnh để đảm bảo sản lượng và chất lượng quả tốt nhất. Tùy vào điều kiện chăm sóc mà cây hồ tiêu có thể cho năng suất ổn định từ năm thứ 4 trở đi và kéo dài trong khoảng 12 đến 15 năm.
Các loại đất thích hợp trồng cây tiêu
Cây tiêu phát triển tốt nhất trên các loại đất tơi xốp giàu dinh dưỡng, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt và có độ pH từ 6,0 đến 6,5. Đất đỏ bazan, đất thịt pha cát, và đất phù sa là những loại đất tốt cho trồng tiêu.
Đất cần đảm bảo thoát nước tốt, không bị ngập úng, vì rễ cây tiêu rất nhạy cảm với nước. Bổ sung phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ và các chất điều hòa pH đất cần được sử dụng đều đặn trong chu kỳ canh tác hồ tiêu.
Cải tạo xử lý đất trồng cây tiêu
Đối với các kỹ thuật trồng tiêu, trước hết cần xử lý đất đúng cách là điều kiện quan trọng để gieo trồng đạt hiệu quả.
Đất cần được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, và xử lý mầm bệnh trước khi trồng. Bón vôi để điều chỉnh độ pH của đất, giúp đất không bị chua. Ngoài ra, bà con cần bổ sung thêm phân hữu cơ vi sinh Nutri như phân chuồng hoặc phân xanh để tăng cường dinh dưỡng, đồng thời giúp đất tơi xốp hơn.
Khi trồng vụ mới trên vườn tiêu cũ, bà con cần thực hiện cày bừa, dọn sạch các bộ phận rễ cây và tàn dư thực vật còn nằm trong đất. Sau đó luân canh với cây họ đậu hoặc trồng các cây ngắn ngày khác trong vòng ít nhất 1-2 năm trước khi trồng hồ tiêu vụ mới.
Chuẩn bị gì trước khi thực hiện cách trồng cây tiêu?
Trước khi thực hiện quy trình trồng cây hồ tiêu mọi người cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cây giống và cọc trồng, cũng như thời điểm, mật độ gieo trồng phù hợp cụ thể như sau:
Chọn trụ trồng tiêu
Có nhiều loại trụ trồng tiêu khác nhau, bà con cần chọn loại trụ phù hợp với địa hình và điều kiện kinh tế như:
- Trụ gỗ: Giá thành rẻ nhưng dễ bị mối mọt, nên chọn gỗ tràm hoặc xoan rừng, với đường kính từ 15-20 cm, chiều cao 3-5 m.
- Trụ bê tông: Bền chắc chịu lực tốt nhưng chi phí cao khó thi công, nên chọn trụ bê tông cốt thép đường kính 20-25 cm, chiều cao 2-3 m.
- Trụ sống: Giá thành rẻ, tạo bóng râm tự nhiên nhưng cần thời gian lâu dài để cây trụ lớn. Chọn cây gòn, keo dậu, muồng đen là những cây thường được dùng làm trụ sống.
- Trụ gạch: Giá thành rẻ, dễ thi công nhưng thoát nước nhanh, hút nhiệt dễ làm trụ nóng. Trụ gạch nên có đường kính đáy từ 1-1,2 m và cao ít nhất 1,5 m.
Giống cây tiêu
Mỗi giống tiêu sẽ phù hợp với điều kiện thời tiết và đất đai của từng vùng. Nên chọn giống tiêu có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh và phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
Thời điểm trồng tiêu
Thời gian trồng tiêu thường rơi vào đầu mùa mưa, hồ tiêu phát triển tốt trong môi trường có nhiệt độ từ 20 độ C đến 30 độ C, thích hợp với khí hậu nóng ẩm, độ ẩm lý tưởng từ 70% đến 85%.
Mật độ trồng tiêu
Khoảng cách trồng phụ thuộc vào độ dốc của đất và phương thức canh tác (trồng xen canh hay trồng thuần) như sau:
- Trụ gỗ: Mật độ 1.500-2.000 trụ mỗi ha (khoảng cách trồng tiêu là 2,5 m x 2,5 m).
- Trụ bê tông: Mật độ 2.000-2.500 trụ/ha (khoảng cách trồng tiêu 2,5 m x 2,5 m).
- Trụ gạch: Mật độ 1.600 trụ/ha với trụ đáy vuông (khoảng cách 2,5 m x 2,5 m), mật độ 1.100 trụ/ha với trụ đáy tròn (khoảng cách trồng tiêu 3 m x 3 m).
- Trụ sống: Mật độ 1.600 trụ/ha với trụ sống là keo dậu, anh đào hoặc lồng tức (khoảng cách 2,5 m x 2,5 m), 1.100 trụ/ha với trụ muồng đen (khoảng cách 3 m x 3 m).
Hướng dẫn cách trồng cây tiêu chi tiết từng bước
Trồng cây hồ tiêu cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cũng như kiên trì chăm sóc cho cây phát triển đạt năng suất cao với các bước như sau:
Bước 1 Đào hố trồng tiêu: Kích thước hố trồng tiêu sẽ phụ thuộc vào phương pháp trồng.
Đối với trồng đơn, kích thước hố là 30x40x40 cm. Còn đối với trồng đôi, kích thước hố là 40x60x40 cm.
Khoảng cách giữa các hố nên đảm bảo từ 2,0-2,5m x 2,5m, tương ứng với mật độ khoảng 1600-2000 trụ/ha.
Bước 2 Bón lót cho hố trồng tiêu: Thực hiện bón lót với phân chuồng hoai mục 15 – 20kg/trụ và 0,2 – 0,5kg phân lân bằng cách trộn đều với lớp đất mặt và lấp vào hố khoảng 20 cm. Đào hố và trộn phân lấp hố trước khi gieo trồng từ 20-30 ngày.
Bước 3 Đặt hom tiêu: Xé bỏ bầu chú ý tránh làm vỡ bầu, sau đó đặt hom vào hố và lấp đất chặt gốc. Hom nên được đặt nghiêng 30 – 45 độ hướng về phía trụ tiêu.
Bước 4 Trồng dặm và buộc dây: Sau từ 7 – 10 ngày từ khi trồng, bà con cần thường xuyên kiểm tra vườn và trồng dặm ngay ở các vị trí cây chết.
Khi dây tiêu phát triển vươn tới trụ, bà con sử dụng dây mềm để buộc dây tiêu vào cây trụ. Đến khi thấy rễ đã bám chặt vào trụ, cần cắt bỏ dây buộc.
Chăm sóc cây tiêu sau khi trồng phát triển xanh tốt mau ra bông trái
Hồ tiêu là một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi quá trình trồng và chăm sóc cây tiêu kỹ lưỡng từ việc chọn đất, cây giống đến gieo trồng, tưới nước, bón phân cụ thể như sau:
Tưới nước: Sau khi trồng, cây cần được tưới nước đều để giúp cây bén rễ đặc biệt mùa khô, cần tưới nước thường xuyên hơn. Cung cấp lượng nước phù hợp cho từng giai đoạn khác nhau của hồ tiêu lưu ý hiện tượng ngập úng để hạn chế chết cây.
Bón phân: Bón phân bổ sung dinh dưỡng một cách định kỳ để thúc đẩy sự phát triển của cây. Đảm bảo cung cấp hàm lượng dinh dưỡng với các loại phân bón phù hợp như phân hữu cơ, phân bón lá vào các giai đoạn phát triển của cây hồ tiêu.
Vệ sinh vườn tiêu: Thường xuyên làm cỏ quanh gốc tiêu để tránh cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng. Đồng thời, phủ gốc bằng rơm rạ, lá cây để giữ ẩm và bảo vệ đất khỏi xói mòn.
Phòng trừ sâu bệnh: Hồ tiêu dễ bị các bệnh như bệnh chết nhanh, bệnh tuyến trùng rễ,… Bà con nên thường xuyên kiểm tra vườn nhà và áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh phù hợp.
Bài viết trên từ Công ty Cổ Phần Trung Tâm Sản Phẩm Sinh Học AQ đã cung cấp chi tiết và hướng dẫn thực hiện cách trồng cây tiêu đạt năng suất cao. AQ đồng hành, hỗ trợ cùng bà con suốt các giai đoạn gieo trồng cũng như cung cấp giải pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh cho mùa vụ bội thu.